Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

Phỏm tá la - Trò chơi bài miễn phí

Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây

Đó chính là chủ đề của Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore tổ chức vào sáng nay 22/6 tại Hà Nội.

Sự kiện quy tụ sự tham gia của gần 400 đại biểu với 2/3 là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng CNTT, và 1/3 là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng điện toán đám mây hàng đầu trong nước và quốc tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…

Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số, và trong đó điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức…

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) đã trình bày báo cáo về khảo sát về Ứng dụng điện toán đám mây tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam.

PGS.TS Vũ Minh Khương

Báo cáo nêu rõ, trong các nước ASEAN thì Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng chi tiêu cao nhất cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 (ở mức 64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).

Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam theo đánh giá của báo cáo thì vẫn còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.

Theo giáo sư Khương, những con số trên phản án thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy “điện toán đám mây” tại Việt Nam. Qua khảo sát của giáo sư Khương và khảo sát nhanh của gần 200 đơn vị tham gia sự kiện diễn ra vào sáng hôm nay 22/6 cho thấy chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ cloud tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo.

Vấn đề “Thực trạng về ứng dụng Cloud tại các doanh nghiệp, tổ chức và giải pháp” cũng đã được đưa ra bàn thảo chi tiết tại phiên tọa đàm với sự chủ trì của chuyên gia hàng đầu về cloud là ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, cùng sự tham gia của TS.Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT (đại diện cho phía cơ quan quản lý nhà nước) cùng đại điện công ty FPT (đơn vị cung cấp dịch vụ cloud) và Ngân hàng Việt Á (đơn vị ứng dụng).

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng như các quốc gia ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh, để kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT.

Bên cạnh đó, khách tham dự hội nghị còn được nghe những chia sẻ hết sức hữu ích về những kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc triển khai cloud, cũng như lợi ích thiết thực mà cloud mang lại từ những đơn vị cũng cấp nền tảng cloud hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, GE; những doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và dịch vụ cloud lớn nhất của Việt Nam như FPT, Viettel; đến những đơn vị ứng dụng rất hiệu quả như Ngân hàng Việt Á, Ngân Hàng Bưu điện Liên Việt…

Toàn cảnh hội thảo.

Theo ông Astrid Tuminez – Giám đốc Hợp tác, Đối ngoại và Pháp lý tại công ty Microsoft Khu vực châu Á, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều được xuất phát từ một sáng chế đột phá như: máy hơi nước, năng lượng với động cơ đốt trong, và bộ vi xử lý của những cuộc cách mạng công nghiệp trước.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là điện toán đám mây với các trung tâm dữ liệu khổng lồ mang mọi thứ vào trong tầm tay chỉ với 1 thiết bị kết nối Internet.

Đại diện Microsoft nhận định rằng, sự năng động của châu Á đã đóng góp 53,8% vào tăng trưởng GDP toàn cầu (2000- 2010), và với sự nhạy bén công nghệ đặc biệt những công nghệ mang tính định hướng, chiến lược thì châu Á đang có cơ hội lớn để nâng tầm, tạo lập châu Á 2.0 – trung tâm phát triển của thế giới.

Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch VINASA cho biết thêm “Điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết”. Cũng theo ông Thắng, Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng cloud sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng 4.0.

Nguồn: //www.pcworld.com.vn

Bài viết liên quan

Chuyên mục